Lúa trên nương rẫy chín vàng, cả làng bước vào lễ hội ăn lúa mới. Mỗi nhà chặt ba cây đót đến bên cạnh rẫy dọn một khu đất nhỏ rồi cắm ba cây đót chéo nhau trên mặt đất. Họ làm một cái đan nhỏ bằng cây đót và lấy sáp ong nặn một hình ngôi sao để trên cái đan cắm bên cạnh cây đót.
Lễ hội ăn lúa mới và lễ hội Blễh của người Xê Đăng Mơnâm huyện Kon Plông |
Dưới gốc ba cây đót họ để than củi ở chính giữa rồi đốt lửa, chủ nhà khấn vái : “Hỡi Giàng của trời cao đất rộng, Giàng của núi cao sông dài, Giàng của cây to, của mưa thuận, của nắng gió hòa – làm cây lúa của rẫy ta trổ bông trĩu hạt đã chín vàng khắp rẫy. Nay ta đến dâng tế cho thần linh con gà, mong các thần khuyên bảo Giàng xơri (Thần lúa) về với ta cho cơm đầy nồi, cho thóc lúa đầy kho”. Chủ nhà hai tay ôm con gà quỳ xuống vái rồi cắt cổ con gà rải tiết vào cái đan và các gốc lúa xung quanh nơi cúng. Cúng xong, họ ngắt vài nắm bông lúa rồi cầm cái đan và con gà, sau cùng là người cầm nắm lúa. Tới bìa rẫy, chủ nhà chặt một cây đót đặt xuống hướng ngọn về làng để cho Thần lúa biết đường về nhà. Nếu trên đường đi về có khe suối thì chủ nhà phải buộc một sợi chỉ từ bờ bên này qua bờ bên kia làm cầu cho giàng xơri đi qua.
Về tới nhà, chủ nhà đặt một cây đót cạnh cầu thang hướng ngọn vào nhà. Hai bên cánh cửa chính cắm hai nhánh dây mâm xôi rồi mọi người mới lên cầu thang bước vào nhà. Đàn bà con gái lấy nắm lúa rang trong nồi giã cốm, giã gạo, ông chủ nhà bắt heo làm thịt cúng bếp, sau đó lấy một cái nồi nhỏ bỏ vài nắm gạo và tim con gà bắc lên bếp nấu nồi cơm phép. Khi thịt heo, thịt gà và nồi cơm phép được nấu chín, chủ nhà lấy ché rượu rồi buộc đan từ rẫy mang về ở bên trái ché rượu. Tất cả các thành viên trong nhà ngồi xung quanh ché rượu, chủ nhà cầm con cua đá cào lên miệng từng người trong nhà khấn:
“Cái miệng ơi! từ nay trở đi, trong nồi làm cơm dẻo cơm thơi từ hạt gạo lúa mới. Cái miệng đừng nhai quá nhiều làm hao cơm tốn gạo, làm dạ dày khó thở, nên nhai vừa dẻo vừa ấm dạ dày là thôi” .
Khấn xong, ông nắm cho mỗi người một ít cơm phép và vài hạt cốm rồi cùng ăn, mỗi người uống một hớp rượu cần, ăn làm phép mỗi người một miếng thịt. Ăn làm phép xong, các gia đình trong làng bắt đầu mời nhau ăn uống lần lượt từ nhà này đến nhà khác. Khi hết cả làng, mọi người mới tụ tập từng nhóm vừa ăn uống vừa bàn bạc với nhau công việc thu hoạch lúa bằng cách đổi công, gia đình nào có lúa đã chín rộ thì thu hoạch trước, gia đình nào có lúa mới chín rải rác thì thu hoạch sau.
Sáng hôm sau, các nhóm bước vào thu hoạch lúa cho từng gia đình rồi đưa vào kho lúa của họ. Sau khi đưa lúa vào kho xong, làng bắt đầu bước vào lễ hội Blễh là lễ hội lớn trong năm.
Các gia đình chuẩn bị cho lễ hội, đàn bà con gái ở nhà rang lúa nếp giã lấy gạo, đàn ông con trai thì đi săn bắt thú rừng và chặt cây nứa tươi. Họ bỏ gạo nếp trong ống nứa tươi rồi nướng trên đống lửa, thịt thú rừng được băm nhỏ cũng nướng trong ống nứa. Cơm nếp, thịt rừng được nướng chín trong ống nứa rồi bốc cho cả nhà ăn làm phép, ăn xong họ cầm 3 ống cơm và ống thịt đến nhà chủ làng hay chủ nhóm. Mỗi một gia đình ngoài 3 ống cơm và ống thịt rừng còn có một ché rượu kèm theo.
Tại nhà chủ làng hay chủ nhóm các gia đình đều để ống cơm, ống thịt của mình trong một cái nia và họ đi nhổ cây lúa, cây bắp, cây mì tại rẫy làm phép mang về nhà chủ làng hay chủ nhóm bỏ vào bếp đốt rồi cầm cái nia ống cơm, ống thịt hơ trên ngọn lửa bếp xoay vòng và đếm lần một là 5 vòng, lần hai là 7 vòng, lần ba là 10 vòng. Xong, họ chặt ống cơm nếp từng khúc nhỏ và trút thịt từ ống nứa ra, gói nhiều gói nhỏ trong lá chuối, phân phát cho mọi người. Các chủ nhà phân phát cơm ống, thịt gói cho mọi người xong quay về bên ché rượu của mình mời mọi người uống. Mọi người ăn uống cười nói vui vẻ suốt đêm.
Sáng hôm sau, các gia đình đều cầm một con gà và mang một gùi nhỏ đến bên kho thóc, mở cửa ra, chủ nhà hai tay cầm con gà ngồi quỳ trước cửa kho đốt lửa rồi khấn vái :
“Hỡi Giàng xơri (Thần lúa) những ngày qua, Giàng đang ngủ li bì trong kho, nay ra mở cửa kho dâng cho Giàng con gà và xin phép Giàng cho ta mang một ít lúa về nhà làm gạo ăn mong Giàng cho phép” .
Chủ nhà khấn xong bước vào kho múc một gùi lúa nhỏ rồi đóng cửa kho đi về. Tới nhà, đàn bà con gái rang thóc giã cốm, giã gạo, đàn ông con trai mổ heo cúng vóc tao (ông táo). Cúng vóc tao xong, họ lấy nồi nhỏ bỏ ít gạo nấu nồi cơm phép. Nồi cơm phép không được đậy vung mà đậy bằng Hlakađin (lá cây rừng) và nấu với tim con gà cúng kho lúa. Thịt heo, thịt gà và nồi cơm phép đã chín họ mang để bên cạnh ché rượu đã được buộc sẵn giữa sàn nhà, các thành viên trong nhà ngồi quây tròn quanh ché rượu. Cốm giã thành bột để trên miếng lá bên cạnh ché rượu, chủ nhà bóc cơm trong nồi cơm phép nắm cho mỗi người trong nhà một nắm nhỏ. Mọi người cầm nắm cơm chấm vào bột cốm cùng khấn thần. Khấn xong mỗi người lấy một miếng thịt ăn cùng với nắm cơm rồi uống mỗi người một hớp rượu cần. Cả nhà ăn uống làm phép xong, các gia đình trong làng mời nhau ăn uống từ nhà này đến nhà khác vui vẻ.
Đến chiều tối, thanh niên nam nữ trong làng đốt đống lửa, lấy trống chiêng ra đánh, cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa. Vòng xoang nhịp nhàng, tiếng chiêng ngân vang, cả làng tràn ngập trong niềm vui hân hoan. Ai ăn cứ ăn, ai uống cứ uống, trai gái trong làng chỗ thì khoác vai nhau hát dân ca tâm tình, chỗ thì đánh đàn Vơrok hát giao duyên tỏ tình, đến lúc ánh bình mình hồng tươi nhảy nhót rọi chiếu khắp bốn phương, mọi người vui sướng bắt tay nhau vui mừng sau một mùa thu hoạch bội thu./.
Đinh Long Ta (sưu tầm)