Là một trong số 7 dân tộc tại chỗ của tỉnh Kon Tum, người Giẻ-Triêng có hơn 30.000 cư dân, sống tập trung tại một số xã thuộc huyện Ngọc Hồi, ĐăkGlei. Nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển của đồng bào ở đây, không thể không kể đến những món ngon dân dã mà không kém phần độc đáo góp phần làm nên cuộc sống tươi đẹp.
Người Giẻ-Triêng huyện Đăk Glei ngày trước sống nhờ núi rừng, suối sông. Đất đai nương rẫy bây giờ không chỉ tỉa hạt lúa, bỏ hom mì mà còn trồng cà phê, cao su, bời lời thu sản phẩm hàng hóa. Tuy vậy, đồ ăn thức uống của đồng bào thì dường như vẫn chủ yếu với những nguyên vật liệu nguồn gốc từ thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Theo bà Y Chắt ở làng Đăk Lôi, xã Đăk Pek, cũng như các dân tộc thiểu số anh em ở Bắc Tây Nguyên, thức ăn của người Giẻ-Triêng phổ biến với món nấu, món nướng, món muối chua.
Tháng 6 tháng 7, trời mưa, nhiều rau dớn, lá mì non xanh. Măng le măng nứa đua nhau mọc ở những vạt rừng gần rừng xa. Người trẻ người già trong làng gần đường Hồ Chí Minh vào rừng đào măng, lấy củ. Từng chiếc cuốc nhỏ bén ngọt bổ xuống lớp gốc chồi. Những mụt măng mới nhú được nhặt lại để gọn thành từng nhóm nhỏ; sau đó, dùng dao bén bóc lớp bỏ thô ráp, lấy búp trắng nõn xếp vào gùi mang về.
Măng tươi, nhanh gọn nhất là luộc lên ăn chín. Măng được thái mỏng, hoặc sắc cục; bỏ vào nồi nước, thêm chút muối hạt, nấu trên bếp lửa lớn. Nước sôi, chắt bỏ nước vàng chừng hai, ba lần đến khi nước trong, hết chát là được. Măng luộc chấm mắm hay chấm muối ớt đều ngọt, ngon; ăn cơm không biết no. Măng luộc còn được dùng để nấu canh hoặc trộn với cá suối, thịt heo, thịt rừng; vị hương càng quyến luyến.
Tuy vậy, măng luộc chỉ ăn được ít ngày, muốn để lâu, bà con đem muối chua. Cách làm cũng đơn giản bằng việc thái mỏng, rửa sạch những mụt măng sống, bỏ vào hũ sành, hay chiếc ghè đã được hòa sẵn nước muối mặn, cho nước muối ngập măng; sau đó đậy kín bằng lá chuối hoặc miếng nilon. Chừng hai, ba tuần lấy ra, măng lên vị chua, màu trắng ngà. Măng chua có thể ăn sống; nấu với thịt, cá; đặc biệt là bóp chua với các loại thịt luộc, cá nướng đều rất “hợp vị”.
Ngày trước, người Giẻ -Triêng sống ở rừng nên thịt thú rừng khô luôn là món ăn “đặc sản”. Ông BLoong Phong Hằng ở làng Nú Vai, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei kể: Mỗi khi săn được con mang, con heo rừng... dân làng không ăn hết mà thường để dành bằng cách xẻ những miếng thịt ngon, hong trên giàn bếp cho khô. Nhờ hơi lửa và khói bếp, thịt khô loại này mùi vị rất đặc trưng. Chỉ khi có khách hay lễ lạt, người nhà mới mang ra nướng để thết đãi. Sau này, không còn thú rừng, thịt khô của các gia đình chủ yếu là thịt chuột, thịt dúi...cũng ngon và quý không kém.
Những món ngon truyền thống của bà con làng Đăk Răng |
Ngoài thịt khô, người Giẻ -Triêng ở những vùng suối còn có món cá chua rất độc đáo. Ngon nhất là cá Niêng vảy trắng, thân tròn hơi dài được xẻ dọc mình, ướp với muối, ớt, tiêu rừng. Cá được ướp đủ các loại gia vị và đặc biệt không thể thiếu thính bắp (bột bắp) trộn đều, ủ kín; ủ lâu càng thấm đậm, dậy mùi, hấp dẫn hơn. Bà Y Men ở thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei “bỏ nhỏ”. Không chỉ được trộn để muối chua, bột bắp cũng được dùng để trộn với thịt chuột, thịt dúi, trộn quả dưa nước... thơm ngon.
Từ lâu, làng Đăk Răng đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá mảnh đất cực bắc Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ở đây, du khách không chỉ được hòa mình trong lễ hội dân gian độc đáo với cồng chiêng, điệu xoang, cuốn hút trong giai điệu của các nhạc cụ truyền thống, mà còn được thưởng thức những món ăn dân dã đậm đà hương vị núi rừng.Không chỉ phổ biến với cơm lam gần gũi mỗi khi có lễ, có việc; bà con còn ưa thích những món nấu ống lồ ô dân dã. Thịt gà, thịt heo, thịt rừng, cá suối, thịt ếch, cua, ốc... đều ngon hơn rất nhiều khi được nấu ống, bởi còn nguyên trong ống nước ngọt đậm đà, vừa giữ hương vị lại được cả những chất bổ dưỡng. Người Triêng có món bánh nếp gói bằng lá đót khá lạ. Lá đót tươi lấy về, rửa sạch, để ráo, sau đó xếp chồng lên nhau cho khít.Nếp rẫy vo qua, ngâm cho mềm hạt; rải lên lá đót, gói lại hình ống nhỏ, buộc chặt; bỏ vào luộc. Bánh nếp dẻo thơm mùi lá, hương vị khó quên.
Món ngon độc đáo của người Triêng không thể không kể đến là trứng con Kỳ nhông rừng; Kỳ nhông thường sống và làm tổ trên bãi cát ven những con suối sâu. Mỗi lứa, Kỳ nhông mẹ chỉ đẻ vài ba trứng. Ông A Bê ở làng Đăk Răng cho hay: Theo quan niệm từ thuở xa xưa, trứng Kỳ nhông là sự kết lọc tinh hoa của vạn vật, trời đất; vì vậy, để có chừng vài chục trứng Kỳ nhông để cúng Dàng trong các lễ hội (Mừng lúa mới, mừng Nhà Rông, cầu mùa...), những người đàn ông, thanh niên trai tráng trong làng phải mất rất nhiều thời gian, công sức để kiếm tìm sau mỗi mùa rẫy thu lúa xong. Trứng luộc lên, trước là cúng Dàng, sau được già làng chia cho các gia đình có công đóng góp với cộng đồng hoặc số hộ khó khăn, hoạn nạn; với mong cầu may mắn, thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Trong các lễ hội lớn của cộng đồng người Giẻ - Triêng, các món ăn được tổ chức nấu nướng chung hoặc do các gia đình mang đến đều được xếp bày trong những chiếc nia lớn để trước nhà Rông. Sau nghi lễ dân gian, dân làng vui hội cồng chiêng-xoang,uống rượu ghè và thưởng thức những món ăn truyền thống. Cùng với các lễ hội dân gian, những món ăn truyền thống của người Giẻ -Triêng cũng được giới thiệu tại những sự kiện văn hóa của tỉnh, huyện, đến Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Mọi người càng thêm gần gũi, sẻ chia, thắt chặt đoàn kết, cùng chung tay giữ gìn vốn quý của cha ông./.
Nghĩa Hà