Thành phố bên sông và những người giữ lửa

 Trải qua bao thăng trầm, biến đổi hơn trăm năm nay; bên dòng ĐăkBla xanh trong hiền hòa, những nét đẹp lâu đời của ông cha người Ba Na, Gia Rai vẫn được bảo tồn và trao truyền cho con cháu. Góp phần làm nên bản sắc đáng tự hào, có công lao không gì sánh bằng của các nghệ nhân dân gian- những người nhiệt thành “giữ lửa” đến mai sau.

Tái hiện một lễ hội của người Ba Na
Tái hiện một lễ hội của người Ba Na

Là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Tây Nguyên, sử thi (Hơ mon) của người Ba Na để lại dấu ấn lưu truyền, nhờ tài nghệ của các nghệ nhân tâm huyết. Có thể kể đến già A Lưu ở Kon Klor 2, già A Đăng ở Kon JơRi (xã Đăk Rơwa), già A Tik ở Kon RờBàng 1 (xã Vinh Quang)… họ xứng đáng được ghi danh là những “báu vật sống” của loại hình văn hóa đặc sắc này.

Già A Lưu kể, theo mẹ đi hát kể hơmon từ lúc 9-10 tuổi, giờ đã hơn 80 mùa rẫy, của cải vô giá của già là hàng chục bài vẫn còn trong trí nhớ, cùng với các nghệ nhân anh em, già đã góp phần lưu lại trong bộ sách giá trị do Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam ấn hành năm 2005.

Ở tuổi 85, mắt không nhìn thấy gì nữa và đi lại rất khó khăn, nhưng nhắc đến h’mon thì già A Tik ở làng Kon RờBàng1 (xã Vinh Quang) vẫn còn hào hởi. Nhân vật Đăm Giông - chàng trai anh hùng của người Ba Na, bao năm rồi vẫn sống trong từng lời hát kể. “Ngày xưa khổ quá, có được học đâu, có biết chữ đâu, chỉ biết giữ con bò thôi; nhưng hát kể chuyện Đăm Giông thì mình rành lắm đó. Ngày trước, ở Kon Rờ Bàng, không phải một mình mình biết hát biết kể. Có mấy người nữa. Bây giờ, họ mất cả rồi... Ngày xưa, mình thường theo bác A Lem đi hát kể, nay ổng cũng yếu lắm, nằm một chỗ thôi...” - Già A Tik chia sẻ.

Nghệ nhân ưu tú A Tik ở làng Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, TP. Kon Tum)
Nghệ nhân ưu tú A Tik ở làng Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, TP. Kon Tum)

Cuộc sống kham khó, nhọc nhằn xưa kia đã sinh ra những người “giữ lửa” khiêm nhường, đáng quý như ông A Tik và các thế hệ nghệ nhân đi trước.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành phố Kon Tum (10/4/1990 - 10/4/2019), mảnh đất bên sông tự hào chào đón 09 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng. Trong số các nghệ nhân đầu tiên của thành phố vinh dự nhận danh hiệu cao quý này, có 03 nghệ nhân hát kể sử thi được ghi nhận ở loại hình ngữ văn dân gian.

Cũng trong số các nghệ nhân ưu tú được phong tặng đợt tháng 3/2019, ở loại hình trí thức dân gian, thành phố Kon Tum có nghệ nhân A Phor người làng Kon Klor (phường Thắng Lợi) nổi tiếng làm cây nêu truyền thống; ở loại hình  nghệ thuật trình diễn dân gian, danh hiệu ghi danh nghệ nhân A Wer (thôn Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang), nghệ nhân A Biu (làng Plei Klêch, xã Ngọc Bay), nghệ nhân Y BLưn (làng Kon Kpâng, phường Thắng Lợi)...

Nghệ nhân ưu tú A Jar(giữa) ở làng Plei Đôn (P. Quang Trung, TP. Kon Tum)
Nghệ nhân ưu tú A Jar(giữa) ở làng Plei Đôn (P. Quang Trung, TP. Kon Tum)

Nhiều năm qua, nỗ lực cống hiến cho cộng đồng và đóng góp của già làng A Jar ở Plei Đôn (phường Quang Trung) trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đã được ghi nhận. Say sưa, tâm huyết sưu tầm, biên dịch và được xuất bản nhiều ấn phẩm về truyện cổ, dân ca, tục ngữ, trò chơi… của dân tộc BaNa, Xê Đăng, Ja Rai; song góp phần làm nên “thương hiệu” của nghệ nhân chính là tích cực tham gia Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên" trong vai trò phiên âm chuyển ngữ, biên dịch các tác phẩm sử thi của người Ba Na, Xê Đăng để tập hợp, xuất bản bộ sách giá trị. Tuổi càng cao, sức khỏe ngày một giảm sút, song cho đến giờ, ông vẫn miệt mài làm việc để có thể lưu giữ thêm vốn quý sử thi của người Ba Na trong kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc anh em.

Với lịch sử lâu đời và bề dày truyền thống vốn có, thành phố bên sông Đăk Bla luôn tự hào, vì dường như trải qua bao biến đổi, mảnh đất và con người nơi đây vẫn hội tụ đầy đủ và đậm nét các loại hình văn hóa dân gian, từ cồng chiêng - xoang, dân ca - dân vũ, nhạc cụ dân tộc, tạc tượng gỗ, đến các loại hình kiến trúc dân tộc, các nghề thủ công truyền thống với đan lát tre nứa, làm rượu cần, dệt thổ cẩm... Tiếp bước các thế hệ nghệ nhân đi trước, ngọn lửa của ông cha sẽ mãi được nối truyền./.

Nghĩa Hà

Post a Comment

Previous Post Next Post

Advertisement

advertising contact (position 5)