Bình yên làng Kon Jơ Dri

 Nằm yên bình bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa của thành phố Kon Tum, Kon Jơ Dri là một trong những bản làng Ba Na cổ nhất, xinh đẹp nhất và còn khá nguyên vẹn ở Tây Nguyên hiện nay.

Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum

Làng Kon Jơ Ri ngày nay có hơn 170 hộ người Ba Na. Ban ngày phần đông người lớn đi làm, chỉ còn lũ nhỏ ở lại chơi giữa sân chơi chung, dưới những tán me, gốc me cổ thụ bên cạnh nhà rông của làng.

Từ trung tâm thành phố Kon Tum phải đi qua cây cầu treo nổi tiếng Kon Klor - cây cầu treo dài và đẹp nhất Tây Nguyên bắc qua dòng sông Đăk Bla - thì mới đặt chân đến được ngôi làng nhỏ Kon Jơ Dri (hay Kon Jo Dri hoặc Kon Jơ Ri) này.

Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum
Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum

Kon Jơ Dri thuộc xã Đăk Rơ Wa, nơi mà trước kia người ta chỉ nhắc đến một ngôi làng cổ có tên Kon K'Tu nằm phía sâu sát với dòng Đăk Bla nhất, mà không biết còn có một Kon Jơ Dri yên bình nằm phía bên ngoài. Ngày nay, cả hai ngôi làng Kon Jơ Dri và Kon K'Tu đều thuộc tuyến du lịch trọng điểm bên dòng Đăk Bla của tỉnh Kon Tum.

Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum

Sở dĩ có tên gọi Jơ Dri do ngày xưa ngôi làng nằm trên một vùng đất rực vàng hoa mai (tiếng Ba Na là jơdri). Ngày nay đây là ngôi làng có nhà rông đẹp và lớn nhất vùng.

Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum

Nhà rông truyền thống Kon Jơ Dri nằm trên bãi đất giữa làng, chung quanh được trồng rất nhiều cây me đại thụ hàng chục năm tuổi. Nhà rông Kon Jơ Dri được xây dựng năm 1997 với chiều cao 16m, chiều ngang 12m. Mặt sàn chỗ rộng nhất gian giữa dài 6,5m và khi bóp lại hai đầu hồi thì còn 6m. 

Nhà rông làng Kon Jơ Dri - Kon Tum

Với đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân làng ở Kon Jơ Dri nói riêng, nhà rông là trung tâm của buôn làng, giữ vai trò quan trọng về văn hóa tâm linh cũng như ý nghĩa tinh thần, vật chất. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cả làng, giao lưu văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, là nơi tổ chức lễ Tết, hội họp của các già làng...



Bên trong nhà rông là tám cột to bằng gỗ quý, cột chặt lấy nhau với khả năng chịu lực cao. Sàn cũng được lát gỗ rất vững chắc. Riêng phần mái bao gồm hai mái chính và hai mái phụ hình tam giác được lợp bằng cỏ tranh trong tự nhiên, lợp thành nhiều lớp rất dày mà thành.


Nhà rông phải là trung tâm cao nhất làng nên phần chân đế bên dưới rất quan trọng với toàn bộ kết cấu, bao gồm từ 10 đến 14 cột, trong đó đã là tám cột khung chính, hai đến sáu cột là khung phụ hỗ trợ, có nhiệm vụ nâng đỡ cả sàn lẫn mái nhà rông. Cầu thang làng Kon Jơ Dri được thiết kế mang hình ngọn cây rau dớn gắn bó với đồng bào dân tộc Ba Na. 


Sở dĩ nói Kon Jơ Dri là một trong những ngôi làng nguyên vẹn nhất Tây Nguyên là bởi ở đây còn rất nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na. Ngoài nhà rông, chính những nếp nhà truyền thống này là điều hấp dẫn du khách nhất.


Nhà sàn truyền thống của người Ba Na có hình chữ nhật, dài 12m. Sàn nhà thường cách mặt đất chừng 1-1,5m để đề phòng thú dữ. Đặc biệt trong kết cấu của ngôi nhà, có một phần nhô ra phía trước chừng 4m. Mỗi ngôi nhà có 12 cột chính phía trong và 12 cột phụ phía ngoài vách.


Khoảng sân giữa nhà rông với nhà thờ làng là sân chơi chung của thanh niên Ba Na hằng ngày. Không còn là "ốc đảo" biệt lập khó khăn bên dòng Đăk Bla năm xưa nữa, đường làng Kon Jơ Dri ngày nay đã được trải nhựa thuận tiện cho người dân đi lại, cho du lịch phát triển.



Ngôi nhà rông vốn dĩ nghiêm trang, oai phong kì vĩ đối với bất cứ một người dân Tây Nguyên nào nhưng cũng hóa "hiền lành" che chở bao dung trước mọi trò vui đùa của lũ trẻ, từ chơi đùa dưới sàn đến leo trèo lên tận nóc mái. 



Những đứa trẻ người Ba Na mang vẻ đẹp thuần nhất Tây Nguyên và cũng rất hiếu khách với người phương xa. 

Hạ Du

Post a Comment

Previous Post Next Post

Advertisement

advertising contact (position 5)