Thôn Kon Krốc, xã Ngọc Réo có hơn 120 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Tơ Đrá (Xê Đăng). Nhà nào cũng biết làm rượu ghè, song làm rượu ghè ngon nhất và nổi tiếng hơn cả là ông Nay Bui. Rượu ghè của ông đã được xã chọn làm sản phẩm truyền thống đại diện, góp mặt trong các sản phẩm đặc trưng cùng các địa phương của huyện Đăk Hà.
Rượu ghè Nay Bui- Sản phẩm truyền thống đặc trưng của xã Ngọc Réo |
60 tuổi, ông Nay Bui đã có gần 30 năm làm rượu ghè. Ngày trước, mẹ ông là người Gia Rai làm rượu ghè không ai bì kịp ở Ia Rsiơm (huyện KrôngPa, tỉnh Gia Lai). Rượu ghè chủ yếu được làm bằng củ mì, nếp trắng, nếp than, bo bo. Nhà ông luôn có nhiều ghè to ghè nhỏ để đựng. Gần mẹ, lại hay phụ giúp mẹ những việc lặt vặt nên từ nhỏ, cậu bé Nay Bui đã “nhiễm nghề”. Năm 1980, theo vợ về làm rể làng Kon Krốc, anh công nhân cầu đường Nay Bui đã thành thạo làm rượu ghè.
Ghè ngon là ghè đượm nồng hơi men, mới nhấp đã thấy ngọt thơm, lỡ có quá chén một chút cũng không đau đầu hay mệt mỏi. Ghè ngon của gia đình ông Nay Bui được đúc kết từ kinh nghiệm làm rượu ghè của cả dân tộc Gia Rai và Xê Đăng.
Gần 30 năm qua, mỗi năm, từng làm ra bao nhiêu ghè rượu ngon cho gia đình và bà con người gần người xa, nhưng cái ngày được mang những ghè rượu do chính tay mình làm để trưng bày, giới thiệu tại lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Hà, ông Nay Bui mừng vui khó tả. Ghè của ông được nhiều người nếm thử, ai cũng gật gù.Người xin số điện thoại liên lạc. Người hẹn sẽ vào tận nơi... Gặp người muốn tìm hiểu về “bí quyết” ghè ngon, ông ân cần giải thích.
Cũng như đồng bào Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng anh em, rượu ghè của người Xê Đăng ngon nhất là làm bằng nếp than. Nếp than không chỉ dẻo thơm, mà còn “ngon cả con mắt” vì có màu tia tía. Để làm men rượu, lấy vỏ hai loại cây, cây Blo và cây Hiêm; giã nát, vắt lấy nước. Đem nước này trộn với bột gạo mịn, nhào cho nhuyễn; sau đó vắt thành nắm dẹp như những chiếc bánh, phơi khô. Phơi men tốt nhất khi có nắng. Gặp lúc trời thiếu nắng, lấy chiếc đũa, chọc xuyên miếng men từ bên này sang bên kia, để tiện xỏ vào dây, hoặc đoạn cây, cắm gần bếp lửa để thêm hơi ấm, tránh men bị “ ươn” không ngon không tốt.
Ông Nay Bui với bánh men làm rượu truyền thống |
Cây Blo, cây Hiêm ở vùng núi Ngọc Réo khá nhiều, chỉ cần đi xa để lấy; đây là những loại cây thân gỗ, đường kính chỉ chừng chiếc ghè loại vừa, song để giữ cây, người làm men thường chỉtỉa cành, tước vỏ. Nhiều khi, còn dùng lá vắt lấy nước, với liều lượng sử dụng gia tăng hơn từ vỏ cây. Bánh men được giã nát, rây lấy bột mịn, để sẵn. Nếp (hoặc củ mì) được nấu chín, rải ra chiếc nia lớn cho nguội, trộn đều men rồi bỏ vào ghè. Lấy lá chuối bịt kỹ miệng ghè rồi buộc lại, sau đem ra dùng. Với ông Nay Bui, “bí quyết” làm rượu ghè là 01 ghè 5kg nếp than, chỉ cần rắc khoảng 3gam men. Ông Nay Bui bảo, để làm nên những ghè rượu ngon, ngày trước còn chút kiêng cữ, song bây giờ, mê tín không còn. Nam, nữ đều có thể làm ngon nếu chịu khó để ý và tự mình rút ra kinh nghiệm.
Có “tay” làm nghề, nên rượu ghè của ông Nay Bui trước giờ không lo bị ế. Mỗi dịp hội làng, hay bà con trong xã đón Tết, vui lễ..., gia đình ông làm tới 50-60 ghè vẫn không đủ cho người mong. Được chọn làm hạt nhân “thương hiệu” rượu ghè nếp than Ngọc Réo, ông Nay Bui nhận rõ trách nhiệm được lãnh đạo xã và đồng bào địa phương gửi gắm, gắng hết sức để trở thành điểm kết nối, đưa bà con Kon Krốc cùng chung tay xây dựng thành công sản phẩm đặc trưng của địa phương./.
Nghĩa Hà