Sống trung thực ?

Người ta thường nói “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương”. Vì thế, “lương tâm không bằng lương tháng”. Đó là một thực tế buồn, rất có thể là một phần do suy thoái đạo đức, ảnh hưởng nhiều thứ – dù ai cũng “nhân chi sơ tính bản thiện”!


Người ta chưa xác định câu: “Xin hãy dạy con tôi chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử” có phải của cố tổng thống Hoa kỳ Abraham Lincoln hay không. Nhưng dù thế nào thì câu đó vẫn tuyệt vời, dù đó là của ai. Người Việt cũng có câu: “Thà chết vinh hơn sống nhục”. Xã hội có nhiều loại người, nhưng tóm gọn 2 loại chính: Trung thực và lọc lừa, dĩ nhiên mỗi loại có mức độ rất khác nhau.

Sống trung thực ?
Sống trung thực ?

Sống trung thực sẽ “mất” sự gần gũi, thân thiện, thiếu thoải mái… nhưng “được” những cái vô giá: Sự khâm phục, nể trọng, quý mến,… Dám sống trung thực là điều không dễ. Những người sống trung thực thường cảm thấy “cô đơn”, lạc lõng giữa xã hội phức tạp. Người ta có xu hướng “an phận”, ai sao mình vậy, không dám đấu tranh vì Chân-Thiện-Mỹ, chỉ cần hai chữ “bình an”. Xưa nay, trong mọi lĩnh vực: Xã hội, tôn giáo, chính trị, giáo dục,… những người dám thể hiện tính trung thực, nói thẳng nói thật, không xu nịnh là “hàng hiếm”. Người dám trung thực cũng phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, vì “nói thì dễ mà làm thì khó”, rất cần phải có lòng dũng cảm, dám sống “trong” dù đời “đục”.

Ngày xưa, khi còn học tiểu học, tôi không khá về Toán, mấy môn khác tôi không lo, nhiều khi tôi cố ý viết sai chính tả để bị trừ điểm. Nghĩ lại thấy mình… ngu thật! May thay tôi vẫn là học sinh khá khi tốt nghiệp. Rồi trong những kỳ thi quan trọng, tôi luôn chọn những đề khó (với các môn tôi tự tin), nghĩ lại thì lại thấy mình tiếp tục… ngu “kinh niên”, ngu “mãn tính”! Và cũng may thay, tôi vẫn đậu. Tôi có thể mạnh dạn nói rằng cả đời học sinh, tôi chưa một lần quay cóp hoặc gian lận. Tôi muốn tự sức mình, chứ không muốn ảo tưởng. Đó là sự thật, tôi không hổ thẹn với lương tâm, và tôi “chia sẻ” với bạn chứ tôi không tự “đánh bóng” mình!

Có một cô giáo trẻ đang học thêm đại học tại chức, cô này đến gặp tôi để nhờ sáng tác một ca khúc ngắn và soạn hòa âm cho một bài khác, đây là bài cô này phải làm kiểm tra. Tôi lấy sẵn một ca khúc thiếu nhi (nhịp đơn giản) cho cô, và tôi “láy” một câu: “Bài này đã được đài Tiếng nói Việt nam dàn dựng mới phát trên đài phát thanh”. Cô xin thêm một bài “sơ-cua”. Cô này còn tiếp tục nhờ tôi sáng tác một bài cho cô thi tốt nghiệp (sic!).

Tôi không tiện nói thật với cô. Tôi nói với vài người quen thân của cô rằng một cô giáo mà làm như vậy là không trung thực, không có năng lực về nhạc mà sao lại học về sáng tác? Tôi phân tích và khẳng định rằng tôi sẽ không “giúp” cô làm bài thi tốt nghiệp. Kinh khủng quá!

Thật sự tôi không hiểu học hành như vậy thì dạy ai được? Mình không có thì làm sao có thể cho người khác? Và tất nhiên, tôi đã cương quyết không giúp cô làm bài thi tốt nghiệp năm đó.

Trong cuộc sống, đối với bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy. Dám làm thì phải dám chịu. Không gì hơn là “cứ là chính mình”. Đó là một dạng trung thực. Người ta có thể che mắt người khác nhưng không thể giấu giếm được chính mình. Sống trung thực, MẤT thì có MẤT, mà ĐƯỢC thì vẫn ĐƯỢC. Theo tôi, cái ĐƯỢC nhiều nhất là tâm hồn mình thanh thản, dù người khác có thể không muốn “gần gũi” mình, chẳng qua là họ ngại và tự thẹn thôi.

Lịch sử thế giới đã và đang cho chúng ta thấy những tấm gương trung thực, dù người đó có thể bị người khác “xa lánh”, nhưng thời gian sẽ cho người ta biết câu trả lời chính xác nhất.

Post a Comment

Previous Post Next Post

Advertisement

advertising contact (position 5)