Đến Kon Tum nhớ ghé thăm Cột mốc ba biên

 Dù chuyến công tác qua các tỉnh Tây Nguyên Kon Tum có thời gian rất ngắn nhưng các anh, chị ở Báo Phú Thọ vẫn dành thời gian đi tham quan Cột mốc quốc giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi.

Chị Kim Chi - Tổng Biên tập Báo Phú Thọ cho biết, trước khi lên đường, chị đã được người quen nhắn nhủ rằng “tới Kon Tum nhớ ghé thăm Cột mốc ba biên nhé”. Vì vậy, trong chuyến hành trình về các tỉnh Tây Nguyên, đoàn đã xác định một trong những điểm sẽ ghé đến tham quan là Cột mốc quốc giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia đặt tại xã biên giới Bờ Y.

Chị Kim Chi bộc bạch: Từ lâu, tên gọi "Ngã ba Đông Dương" - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe đã mang đến cho chị cảm giác biên giới xa mà gần, nhất là Cột mốc quốc giới này có ý nghĩa sâu sắc, minh chứng cho tình hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển giữa 3 nước Đông Dương.

Khoảng 7h sáng, xe của đoàn Báo Phú Thọ từ Nhà khách Hữu Nghị (thành phố Kon Tum) bắt đầu lăn bánh, thẳng tiến về xã biên giới Bờ Y.

Cột mốc ba biên

Du khách chụp ảnh tại cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại xã Bờ Y

Từ nhiều năm nay, Cột mốc ba biên Việt Nam – Lào – Campuchia trở thành điểm du lịch nổi tiểng của Kon Tum. Tôi đã nhiều lần đưa bạn bè đến đây tham quan và dường như đoàn khách nào cũng đều có những cảm xúc thật đặc biệt khi đặt chân đến đây. Trong mỗi người đều trào dâng những tình cảm thiêng liêng khó tả…

Khi nghe các anh, chị ở Báo Phú Thọ - những người con của đất Tổ vượt ngàn dặm xa xôi, háo hức chờ đợi để được chạm tay vào Cột mốc ba biên này, tôi càng thấy tự hào hơn về điểm du lịch đầy tiềm năng này của Kon Tum.

Xe ô tô băng băng vượt Quốc lộ 14, rồi rẽ vào Quốc lộ 40, ngồi cạnh tôi, anh Xuân - một đồng nghiệp ở Báo Phú Thọ - nhận xét: Đường ở đây tốt thật. Thế này thì đoạn đường từ thành phố Kon Tum đến Cột mốc ba biên chẳng tốn thời gian là bao nhỉ.

Quả đúng như vậy, chúng tôi mới chuyện trò vài ba câu chuyện vui đã thấy xe chạy chậm lại, Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y hiện trước mắt.

Chị Kim Chi giục bác tài dừng lại để mọi người cùng xuống tham quan, chụp ảnh lưu niệm trước khi rẽ qua đường tuần tra biên giới để đến Cột mốc ba biên.

Xe chậm rãi vượt những đoạn đường ngoằn ngoèo, dốc nối dốc, chúng tôi không quên giới thiệu cho những vị khách về “niềm tự hào của mình” - chúng tôi gọi đây là Cột mốc chủ quyền thiêng liêng. Cột mốc ba biên do ba nước anh em Việt Nam - Lào - Campuchia cùng thống nhất xây dựng trên đỉnh núi cao 1.086m; là vị trí giao điểm của ba đường biên giới giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư, phía Campuchia là tỉnh Rattanakiri, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y 10km, cách thành phố Kon Tum 90km, cách thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) khoảng 30km.

Cột mốc mang số hiệu 2007, được làm bằng đá hoa cương, có hình trụ tam giác, nặng 1 tấn, cao 2m. Trên mỗi mặt cột mốc quay về mỗi nước được gắn Quốc huy, ghi năm cắm mốc và tên quốc gia đó  bằng chữ (màu đỏ) của chính nước đó. Đây là Cột mốc ba biên thứ hai ở Việt Nam (cột mốc thứ nhất là của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, xây dựng ở làng A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Cột mốc ba biên Việt Nam - Lào - Campuchia được khởi công xây dựng tháng 12/2007 dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Ngày 18/1/2008 Cột mốc ba biên được khánh thành...

Nghe chúng tôi giới thiệu, những du khách trong đoàn như được tiếp thêm sức mạnh; mọi người đều hăm hở thả bộ, bước lên 120 bậc tam cấp để được chạm tay vào Cột mốc ba biên.

Đây rồi! Mọi người reo lên vui sướng. Tôi hiểu và chia sẻ niềm vui ấy. Bởi nếu có dịp tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của từng cột mốc trên tuyến biên giới của Tổ quốc, ta sẽ biết hành trình gian khó để hình thành nên Cột mốc ba biên này…

Và, với những người con Việt, cột mốc là biểu tượng của sự thiêng liêng và là niềm tự hào; bởi chính khối đá tưởng chừng vô tri ấy là nơi chứa đựng hồn dân tộc, những hi sinh thầm lặng của bao chiến sĩ và đồng bào.

Từ Cột mốc ba biên, du khách có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất ngã ba Đông Dương. Cũng tại đây, du khách muốn thăm hai nước Lào và Campuchia có thể làm thủ tục xuất cảnh ở Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1240/QĐ-UBND phê duyệt Đề án khai thác du lịch khu vực Cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với mục tiêu là khai thác tiềm năng lợi thế vị trí Cột mốc quốc giới chung 3 nước để hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần nhóm ngành dịch vụ, du lịch. Phát triển du lịch nhằm đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngọc Hồi nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, phấn đấu năm 2025 huyện Ngọc Hồi đón khoảng 65.000-80.000 lượt khách, trong đó khách trong nước 55.000-60.000 lượt và lượng khách đến Cột mốc quốc giới chung 3 nước đạt khoảng 90% trên tổng số lượng khách du lịch đến Ngọc Hồi, tương đương khoảng 58.500 - 72.000 lượt khách.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Du lịch tỉnh Kon Tum chú trọng phát triển các điểm, tuyến du lịch đồng bộ, hài hoà trên diện tích đất của 3 quốc gia xung quanh khu vực Cột mốc quốc giới chung 3 nước. Kết nối du lịch khu vực Cột mốc 3 biên với các điểm, tuyến du lịch, tour du lịch của các địa phương trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hoá các làng đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái; du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng; du lịch tổng hợp (tham quan, mua sắm)...

Khách tham quan Cột mốc ba biên
Khách tham quan Cột mốc ba biên

Trong những năm qua, huyện Ngọc Hồi đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng. Riêng cơ sở vật chất phục vụ du lịch, địa phương đã từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.

Còn nhớ, ngày khánh thành Cột mốc ba biên, ông Var Kim Hông-Bộ trưởng cao cấp của Chính phủ Campuchia phụ trách biên giới đã khẳng định: Cột mốc tại ngã biên giới là sự kiện trọng đại, kết quả hợp tác giữa ba nước. Đây là cơ hội đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh biên giới giữa ba nước.

Ông Phông - Sạ Vắt Búp Phả - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban biên giới quốc gia Lào thì cho rằng: Cột mốc là di sản cho con cháu đời sau của ba nước, là động lực hợp tác lâu dài trên nhiều lĩnh vực giữa ba nước.

Về phía Việt Nam, khi đó, ông Đào Việt Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Việc khánh thành cột mốc khẳng định sự tin cậy lẫn nhau giữa ba nước. Nơi đặt mốc ngã ba biên giới có cảnh quan đẹp, nhìn về lâu dài sẽ là nơi thu hút khách du lịch, phát triển mạnh hoạt động trao đổi hàng hoá, dịch vụ.

Cột mốc ba biên ngày càng trở thành điểm du lịch cuốn hút nhiều du khách khi đến với Kon Tum, nhất là các bạn trẻ. Nếu ai đã một lần đến đây cũng đều có chung nhận xét: Đây là điểm tham quan mang lại nhiều cảm xúc, trong đó có những đồng nghiệp của chúng tôi.

Mọi người lưu luyến chụp ảnh để lưu lại thời khắc mình đến nơi đây trước khi dời đi. Trên mỗi gương mặt đều rưng rưng xúc cảm. Dù đã không ít lần đến với Cột mốc ba biên nhưng trong tôi vẫn trào dâng xúc cảm khi trở lại nơi này.

Có lẽ, những tình cảm thiêng liêng ấy chính là lòng tự hào dân tộc, tình yêu với quê hương đất nước đang vang vọng trong trái tim mỗi người con đất Việt!

Là người sinh sống và làm việc tại mảnh đất Kon Tum tôi có quyền tự hào về điều này.

Tú Quyên

Post a Comment

Previous Post Next Post

Advertisement

advertising contact (position 5)