Là một trong hai dân tộc thiểu số rất ít người ở tỉnh Kon Tum, đồng bào Rơ Măm, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy tự hào giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của mình trong quá trình xây dựng và phát triển. Cây nêu truyền thống là một trong những nét đẹp độc đáo, gửi gắm tâm linh của con người thông qua loại hình kiến trúc dân gian đặc trưng.
Nét đẹp cây nêu của người Rơ Măm làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy |
Bảo tàng Kon Tum là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương trong khuôn khổ Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, năm 2018. Trong số nhiều cây nêu được dựng lên, làm thành “vườn nêu” ấn tượng tại đây, cây nêu của đồng bào Rơ Măm làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy mang dấu ấn riêng.Theo già làng A Glong, cây nêu là vật thiêng của người Rơ Măm, được dựng lên trong những dịp lễ hội lớn có cúng trâu cúng bò như lễ rước Giàng Pút, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà rông, lễ xuất kho, nhập kho lúa... Công việc làm cây nêu chỉ được nam giới được đảm nhận. Phụ nữ, con gái dưới 18 tuổi trong làng chẳng những không tham gia vào quá trình này, mà còn không được xuất hiện ở khu vực làm cây nêu cùng đàn ông.
Nguyên liệu làm cây nêu chủ yếu gồm cây tre, cây gỗ, lồ ô, dây mây. Cách làm các bộ phận để cấu thành cây nêu của các dân tộc tương tự như nhau. Tuy vậy, người Rơ Măm vẫn có tục lệ và một số chi tiết về kết cấu, trang trí cây nêu mang bản sắc riêng.Già làng A Glong cho hay, sau khi chuẩn bị vật liệu, người Rơ Măm không dựng cây nêu vào buổi sáng, mà thường từ 3 đến 5 giờ chiều, sau khi các gia đình đã cúng riêng và tập trung tại nhà Rông để làm lễ tập thể. Những người được giao làm cây nêu luôn ý thức cao trong việc tập trung tâm trí, sức lực để hoàn thành công việc này, tuyệt đối không được say rượu khi tham gia.
Chuẩn bị dựng cây nêu, lắp ráp phần khung vào cây nêu |
Cây nêu của người Rơ Măm thường cao 5- 6 mét, trong các sự kiện đặc biệt cũng chỉ khoảng 8-9 mét, vì theo già A Glong, với đặc thù ở vùng gió lớn mưa nhiều như biên giới Mô Rai, thì cao quá không tránh khỏi dễ bị ngã, đổ.
Trước khi dựng cây nêu, già làng phân công và hướng dẫn chuẩn bị đầy đủ các vật liệu chính, gồm: Một cây tre lớn, thẳng tắp theo chiều cao thích hợp được chọn để làm thân nêu; 4 đoạn gỗ xẻ cỡ lớn để làm khung cây nêu; 4 cây gỗ cao trên dưới 2 mét để làm cọc nêu; 6-8 cây lồ ô ( loại ống nhỏ) để làm “cần câu” trang trí quanh cây nêu; vài sợi dây mây lớn bện thành vòng để buộc trâu (bò) vào gốc nêu... Trong đó, khung nêu, cọc nêu được tô vẽ bằng màu đỏ, đen hay vàng, trắng, xanh cho thêm phần nổi bật, đẹp mắt.
Trong số các bộ phận làm thành cây nêu của người Rơ Măm, thân cây nêu được chú ý nhất, bởi không chỉ cao “ tới trời” mà trên đó còn được gắn nhiều “lồng hoa” trang trí bông nêu. Trên đỉnh cây nêu có hình con chim bằng gỗ sải cánh. Ông A Reng ở làng Le cho biết, bông nêu được làm từ việc chuốt, cạo thân cây lồ ô cho bung ra. Bên cạnh đó, còn có nhiều hình nan trang trí được gắn vào bông nêu cũng được đan từ lồ ô, tre...
Cùng với trục chính là thân của cây nêu, phần khung cây nêu được đặc biệt chú trọng và được xem như “linh hồn” của cây nêu. Khung này có hình khối vuông chữ H từ 4 mảnh gỗ xẻ dày khoảng 5 cm, dài hơn 1 m được gọt đẽo, tạo hình góc cạnh. Để làm nên chiếc khung vững chắc, người Rơ Măm có “bí quyết” riêng từ khâu gọt đẽo tạo hình, lắp ráp, và nhất là thao tác gắn kết, chằng buộc vào thân cây nêu; tạo thành tổng thể vừa mang tính thẩm mĩ, vừa vững chãi.
Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cây nêu của người Rơ Măm là vật hiển linh; thể hiện sự tôn kính, trân trọng với thần linh, mà cụ thể là thần Ngà Voi (Giàng Plút); gửi gắm tâm tư, ước nguyện tốt lành, cầu mong no ấm, sức khỏe, may mắn cho dân làng.
Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay, song các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vẫn được đồng bào Rơ Măm làng Le, vùng biên giới Mô Rai huyện Sa Thầy giữ gìn và phát huy trong cộng đồng. Cây nêu truyền thống được dựng lên thể hiện khát vọng vươn tới no ấm, hạnh phúc của mọi người./.
Nghĩa Hà