Lễ cầu an và tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh của người Ba Na

 Theo truyền thống, mùa lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường diễn ra từ vụ thu năm này sang mùa tỉa năm sau. Tuy vậy, với người Rơ Ngao (Ba Na), lễ cầu an (Puh hơ drih) có khi được tổ chức trước lúc thu hoạch mùa màng nhằm xua đuổi rủi ro, xui xẻo và cầu mong những điều may mắn, tốt lành cho dân làng. Tham dự Festival cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại tỉnh Gia Lai, lễ cầu an được đội nghệ nhân làng Đăk Wơk ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy tái hiện.

Phục dựng lễ cầu an của người Rơ Ngao (Ba Na)
Phục dựng lễ cầu an của người Rơ Ngao (Ba Na)

Làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy trước đây thuộc xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà. Tái định cư ở vùng đất mới theo diện di dời lòng hồ thủy điện Plei Krông, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, phát triển. Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Rơ Ngao (Ba Na) vẫn được giữ gìn và phát huy trong cộng đồng.

Duy trì các lễ hội dân gian là điểm nhấn thu hút sự quan tâm của mọi người và giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc cho thế hệ trẻ. Trong đó, lễ cầu an mang nét đặc sắc riêng.

Ông A Trô ở làng Đăk Wơk cho hay: Mình nhiều lần tham dự lễ cầu an. Đông lắm, cả làng đều vui. Bây giờ đã già rồi, vẫn đánh chiêng trong lễ này.

Em Y Hep - thành viên đội xoang của làng Đăk Wơk rất phấn khởi vì lần đầu tiên được tham gia tái hiện lễ cầu an của người Ba Na tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018, càng hiểu thêm ý nghĩa nhân văn mà ông bà đi trước gửi gắm vào đây.      

Theo Nghệ nhân ưu tú A Thút - “Cánh chim đầu đàn” trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Rơ Ngao (Ba Na) ở Đăk Wơk, ngày trước, người Ba Na chỉ làm mỗi năm một mùa. Khi lúa sắp chín, ngô khoai đã già, dân làng làm lễ Puh hơ drih, cầu an. Quan niệm cũ, Puh hơ drih để xua đuổi tà ma, kẻ thù, dịch bệnh…; theo nhận thức bây giờ là xua đuổi rủi ro, xui xẻo; cầu mọi điều may mắn, tốt lành cho người dân, cộng đồng làng.

“Điểm đặc biệt, lễ cầu an là lễ của cả làng, chứ không làm riêng lẻ. Thường thì, ngay cả lễ lớn của làng như lễ mừng nhà rông mới, bà con cũng vừa tham gia lễ hội chung của làng, vừa có thể tự làm riêng ở nhà; nhưng với lễ cầu an thì cộng đồng chỉ làm chung, không tổ chức riêng lẻ”- Nghệ nhân A Thút lưu ý.

Già làng dẫn đầu đoàn người đi quanh làng
Già làng dẫn đầu đoàn người đi quanh làng

Vì chỉ được làm chung cho cả làng nên lễ cầu an mang tính cộng đồng rất cao, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó đặc biệt của dân làng. Cũng như các lễ hội mừng nhà rông, mừng lúa mới, mừng giọt nước…lễ cầu an được chuẩn bị rất chu đáo.

Trước ngày tổ chức lễ hội, mọi người cũng được cắt cử để quét dọn nhà rông, sửa sang, tu bổ đường sá, cầu treo…Vật hiến tế có sẵn gồm trâu, bò, hay dê, heo, gà tùy vào điều kiện kinh tế của làng. Lễ cầu an không thể thiếu hình nộm to lớn, uy nghi bằng nứa gỗ, tranh tre; tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên khiến thế lực đen tối, xui xẻo, rủi ro phải khiếp sợ.

Trước đây, trong mỗi lễ cầu an có thể làm 3- 4 hình nộm, song sau này, phổ biến làm hai chiếc. Hình nộm do những người đàn ông trong làng tự tay làm, đêm trước khi tổ chức lễ cầu an, được mang đến để ở sân nhà rông và được trông coi cẩn thận, không cho người khác khuấy động. Sáng hôm sau, cũng tại nhà rông này, lễ cầu an được tổ chức với sự góp mặt đông đủ dân làng. Già làng làm chủ lễ cúng tế, đọc lời khấn thần Trời, thần Đất, thần Núi, thần Sông như ý nguyện của mọi người cầu bình an, no ấm, hạnh phúc.

Sau nghi thức tại nhà rông, già làng dẫn đầu đoàn người đi quanh làng. Già làng đi trước, múa khiên. Hùng dũng đi sau là hai thanh niên vạm vỡ được hóa trang múa giáo, mác; hai nam giới khỏe mạnh được chọn mang hình nộm cầm kiếm, nỏ; hai cô gái cầm bó lá đót làm cây chổi liên tục quét. Đội cồng chiêng, xoang đi cuối đội hình.

Trong tiếng trống tiếng chiêng vang dội, mọi người vừa đi vừa đi vừa nhảy múa, hét vang những tiếng “ humh…humh…”. Nét mặt giận dữ, động tác dứt khoát cũng góp phần thể hiện quyết tâm xua đuổi xui xẻo, rủi ro, xấu xa, bẩn thỉu  ra khỏi làng.

Sau lễ, hình nộm được cắm ở ngã ba (hay ngã tư) để giữ làng
Sau lễ, hình nộm được cắm ở ngã ba (hay ngã tư) để giữ làng

Sau khi đi quanh làng, đoàn người mang hình nộm về cắm ở chỗ ngã ba (hay ngã tư) đầu làng, nhằm trấn giữ đất đai, không cho cái xấu cái ác xâm nhập vào làng. Mọi người trở lại nhà rông vui hội. Già làng có lời ghi nhận lễ cầu an đã thành công, tâm tư ý nguyện của dân làng đã được các vị thần chứng giám. Già làng nhắc nhở mọi người đoàn kết chăm lo sản xuất, giúp đỡ lẫn nhau để giữ làng và xây dựng cuộc sống gia đình no đủ, yên ấm; cộng đồng vui vẻ, chan hòa. Mọi người đánh cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần, liên hoan vui vẻ.    

Mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng, lễ cầu an thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, khẳng định sức mạnh của cộng đồng chống lại cái xấu và các thế lực thù địch để xây dựng cuộc sống no ấm, an toàn, vững mạnh. Gìn giữ và duy trì lễ hội này cũng là cách nhắc nhở con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu thêm đời sống tinh thần của mỗi người và cộng đồng./.                                                                                             

Nghĩa Hà

Post a Comment

Previous Post Next Post

Advertisement

advertising contact (position 5)